Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome - IBS), là một tình trạng rối loạn tiêu hóa tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, sinh hóa ở ruột, gây ra các triệu chứng như co thắt dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón.
Thống kê cho thấy, có đến 15 - 20% dân số thế giới mắc phải hội chứng ruột kích thích. Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định, cũng chưa cách chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên, người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng thuốc để có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Hội chứng ruột kích thích là bệnh đường tiêu hóa phổ biến, có đến 15 - 20% dân số thế giới mắc bệnh
Bị mắc hội chứng ruột kích thích, nguyên nhân do đâu?
Như đã nói ở trên, hiện nay những nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm đại tràng co thắt có thể kể đến như:
- Nhu động ruột hoạt động kém: Khi hệ tiêu hóa hoạt động bình thường, những cơn co thắt (nhu động ruột) có tác dụng co bóp, trộn và vận chuyển thức ăn hiệu quả. Trường hợp chúng hoạt động bất thường, cơn co thắt mạnh hơn, kéo dài hơn bình thường có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. Khi co bóp yếu thì quá trình vận chuyển thức ăn chậm và kéo dài, nước bị tái hấp thu nhiều, dẫn đến phân khô, cứng.
- Sự bất thường trong dẫn truyền thần kinh ở đường tiêu hóa khiến người bệnh cảm thấy khó chịu hơn bình thường do bụng căng ra vì đầy hơi hoặc phân. Phối hợp kém hiệu quả giữa não và ruột có thể khiến cơ thể phản ứng quá mức với những thay đổi trong quá trình tiêu hóa, gây đau, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Nhiễm trùng nặng: Hội chứng ruột kích thích có thể xuất hiện sau một đợt tiêu chảy nghiêm trọng (viêm dạ dày ruột) do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh cũng có thể liên quan đến sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Thống kê cho thấy có đến ½ số người mắc đại tràng co thắt bị nhiễm khuẩn Brachyspira trước đó.
- Tâm lý căng thẳng, lo âu kéo dài, thường xuyên: Người thường xuyên bận rộn, thời gian ăn uống thất thường, tâm lý bất ổn… thì nguy cơ gặp phải triệu chứng của viêm đại tràng co thắt cũng tăng.
- Sự bất thường hệ vi sinh đường ruột: Sự thay đổi của vi khuẩn, nấm và virus cư trú trong ruột đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hệ vi sinh đường ruột ở những người bị IBS có thể khác so với người bình thường.
- Rối loạn nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố ở nữ giới, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt hay phụ nữ mãn kinh, tiền mãn kinh khiến các triệu chứng của viêm đại tràng co thắt cũng tăng lên.
Loạn khuẩn đường ruột có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích
Đối tượng nào dễ mắc hội chứng ruột kích thích?
Hầu hết ai cũng có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích, tuy nhiên những đối tượng sau đây thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Người dưới 50 tuổi: Thống kê cho thấy bệnh thường ở độ tuổi 18 - 30 tuổi và giảm sau tuổi 50.
- Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn gấp 2 lần nam giới, điều này được cho là do sự thay đổi nội tiết tố nữ khi đến kỳ kinh nguyệt, mang thai hay giai đoạn mãn kinh, tiền mãn kinh, khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh: Có thể do gen di truyền hoặc các yếu tố môi trường sống sinh hoạt, gia đình có người mắc bệnh thì những người thành viên khác cũng có nguy cơ cao bị viêm đại tràng co thắt.
- Người có vấn đề về thần kinh, tâm thần: Người thường xuyên gặp áp lực, căng thẳng, lo âu kéo dài hoặc xuất hiện dấu hiệu của trầm cảm, tự kỷ… có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.
Căng thẳng, lo âu kéo dài làm tăng nguy cơ bị viêm đại tràng co thắt
Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích khá tương tự với một số bệnh lý đường tiêu hóa khác, do đó dễ gây nhầm lẫn, khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Dấu hiệu điển hình nhất của bệnh là cảm giác đau bụng kéo dài 3 - 12 tháng nhưng không liên tục. Ngoài ra, viêm đại tràng co thắt còn có thể gây ra một số biểu hiện như sau:
- Đau bụng, chuột rút hoặc chướng bụng nhất là sau khi ăn, chỉ khi đi đại tiện xong mới thấy dễ chịu.
- Người bệnh có thể đi đại tiện 4 - 5 lần/ngày, trường hợp nặng có nguy cơ mất tự chủ đại tiện.
- Phân lỏng, nát, phân nhầy nhưng không có máu, các bác sĩ có thể dựa vào biểu hiện này để phân biệt viêm đại tràng co thắt và viêm đại tràng thực thể.
- Tiêu chảy, táo bón thất thường.
- Ngoài các triệu chứng trên đường tiêu hóa, bệnh cũng có thể gây ra một số biểu hiện toàn thân như đau đầu, mệt mỏi, đau lưng…
Hội chứng ruột kích thích thường gây đau, chướng bụng, nhất là sau khi ăn
Các dấu hiệu của bệnh có thể khác nhau ở mỗi người, chúng có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của mỗi người. Do đó để chẩn đoán chính xác vấn đề tiêu hóa mà bạn đang mắc phải, cần thăm khám bác sĩ ngay mà không nên tự ý điều trị tại nhà.
Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không?
Hội chứng ruột kích thích vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy đây là căn bệnh lành tính nhưng nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ. Các phương pháp chữa bệnh hiện tại chỉ giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế các ảnh hưởng đến cuộc sống.
Để cải thiện bệnh tốt hơn, người bệnh nên xây dựng lối sống khoa học, hạn chế tình trạng lo âu, căng thẳng để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Điều trị hội chứng ruột kích thích
Chưa có thuốc đặc trị cho hội chứng ruột kích thích, người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc giúp làm giảm các triệu chứng và thay đổi lối sống.
Bị hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì?
Khi có các biểu hiện tái phát của hội chứng ruột kích thích, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau, chống co thắt: No-spa, spasfon, duspatalin..
- Thuốc có công dụng nhuận tràng, giảm táo bón.
- Thuốc chống tiêu chảy.
- Thuốc chống sinh hơi như pepsane, than hoạt.
- Nếu nghi ngờ người bệnh bị viêm đại tràng co thắt do căng thẳng, lo lắng kéo dài, có thể sử dụng các thuốc an thần kinh như rotunda, seduxen,...
- Nếu có biểu hiện của nhiễm khuẩn ruột, có thể sử dụng kháng sinh điều trị.
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho viêm đại tràng co thắt
Trong nhiều trường hợp, lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp người bệnh giảm hội chứng ruột kích thích. Kể cả trường hợp cơ thể không đáp ứng ngay lập tức với các thay đổi này thì một chế độ sống và làm việc khoa học vẫn luôn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
- Ăn uống đều đặn: Ăn đủ bữa mỗi ngày, cố gắng ăn vào cùng thời điểm mỗi ngày để tạo nhịp sinh học cho cơ thể. Nếu người bệnh bị tiêu chảy, có thể chia thành nhiều bữa ăn. Nên bổ sung các loại rau xanh, hoa quả chứa nhiều chất xơ và vitamin tốt cho tiêu hóa.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm khó tiêu, thực phẩm làm tăng cảm giác đầy hơi, táo bón như bánh kẹo, đồ muối chua, thực phẩm chế biến sẵn…
- Duy trì tâm lý thoải mái: Căng thẳng, lo âu là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng ruột kích thích. Do đó, người bệnh cần duy trì tâm lý thoải mái để không bị căng thẳng, áp lực, stress kéo dài.
- Việc luyện tập thể dục thể thao là rất cần thiết, giúp cải thiện các triệu chứng của viêm đại tràng co thắt, nâng cao thể chất của cơ thể.
Chế độ ăn khỏe mạnh giúp tăng cường miễn dịch, giảm các triệu chứng của viêm đại tràng co thắt
Ngoài ra, hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm chiết xuất từ thảo dược giúp hỗ trợ điều trị các vấn đề về tiêu hóa cũng là xu hướng được nhiều người lựa chọn, giúp tăng cường miễn dịch cho đại tràng, phục hồi niêm mạc đại tràng bị tổn thương, giảm đau bụng, đầy hơi, khó tiêu. Sự kết hợp của bộ đôi immunebioV, sử quân tử giúp hỗ trợ điều trị các bệnh tiêu hóa, cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Mong rằng qua bài viết này bạn có cái nhìn tổng quan hơn về viêm đại tràng co thắt, từ đó có cách điều trị hiệu quả, giúp cải thiện các triệu chứng, nâng cao sức khỏe. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận bên dưới, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp ngay lập tức.
Thu Hương
Link tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes/syc-20360016
https://www.healthline.com/health/irritable-bowel-syndrome#ibs-with-constipation